Nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, đảo Cồn Cỏ nằm cách cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị khoảng 17 hải lý. Từ địa đạo Vịnh Mốc, phóng tầm mắt phía biển có thể thấy một vùng đảo nhỏ xanh ngắt giữa biển khơi. Cồn Cỏ còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Thảo phù, Con Hổ, hay Hòn Mệ (theo cách gọi của ngư dân Vĩnh Linh – tỉnh Quảng Trị). Theo sử sách, từ thế kỷ thứ XVII – XVIII, trên con đường giao lưu buôn bán, cư dân Đại Việt đã coi Cồn Cỏ là một điểm dừng chân. Tương truyền dưới thời nhà Nguyễn đây là nơi đày ải những người có tội. Theo các nhà khảo cổ, trong thời gian của những thế kỷ đầu công nguyên Cồn Cỏ đã từng có nhiều cư dân đặt chân đến và để lại nhiều dấu tích. Thời gian đi đảo Cồn Cỏ thích hợp nhất là mùa hè trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 8, trong đó các tháng 5, 6, 7 là thời điểm thời tiết sóng lặng biển êm, nắng nóng, phù hợp hơn với hình thức du lịch biển. Từ tháng 9 đến tháng 11 thường là mùa mưa bão. Được hình thành từ nham thạch núi lửa, Cồn Cỏ không có nhiều bãi tắm trải dài với cát trắng nên thơ, nhưng làn nước trong vắt, không khí trong lành, nguyên sơ và hệ động, thực vật phong phú và những dấu tích lịch sử hào hùng khiến đảo nhỏ này thực sự là điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn. Với tổng diện tích cây xanh che phủ lên đến hơn 70% diện tích, không khí trên đảo Cồn Cỏ vô cùng trong lành cùng với cảnh vật thiên nhiên thơ mộng. Cồn Cỏ sở hữu một hệ sinh thái rừng nhiệt đới ba tầng khá hiếm tại Việt Nam. Nơi đây cũng còn tồn tại nhiều cây thuốc quý như: giảo cổ lam, chuối rừng… Bởi vậy, khám phá khu rừng nguyên sinh trên đảo giữa biển khơi thực sự là trải nghiệm thú vị, nhất là khi được băng qua con đường được phủ bằng những lớp đá từ san hô đã hóa thạch trong khu rừng nguyên sinh. Vùng biển chung quanh đảo Cồn Cỏ sở hữu một hệ sinh thái san hô vô cùng phong phú và đa dạng. Hiện có khoảng 109 hoài san hô khác nhau ở vùng biển của đảo Cồn Cỏ, trong số đó có san hô đỏ và san hô đen vô cùng quý hiếm. Trải nghiệm lặn biển, ngắm san hô cũng là một hoạt động thú vị trên đảo. MINH DUY – TRANG LINH – NDĐT