Dọc con phố này ra đầu Trần Nhân Tông cũng có 1 cửa hàng cháo, một ở cạnh cửa hàng vàng Bảo tín với các loại cháo tim cật, cháo bò, gà, cháo thịt… thường thì khách hàng hay ăn hoặc mua là người nhà viện mắt trung ương. Cháo ở đây cũng ngon, đông khách tuy nhiên nó cũng giống cháo như bao quán cháo khác, ăn để no thôi.
Quán thứ 2 nằm trên phố Trần Xuân Soạn thiên về quà vặt hơn, gần phía Lò Đúc, cũng chẳng nhớ quán này xuất hiện từ bao giờ nữa, cách đây 25 năm, tôi đã ăn, bây giờ cũng vẫn ăn. Nó là một món ăn vặt thì đúng hơn, ăn lấy cảm nhận là chính.
Cháo trai ở đây là cháo nấu bằng gạo xay nhiễn, khi khách hàng gọi thì họ cho rau răm, cho hành khô, và dĩ nhiên là trai đã xào vào. Trai ở đây khá đặc biệt, to, dầy ăn thành miếng, thơm, bùi bùi, dai dai, ai răng thưa rất dễ dắt răng :). Khi ăn có thể rắc thêm ít hạt tiêu, ớt bột hoặc có thể ít dấm tỏi vào tùy khẩu vị mỗi người. Ăn cháo vét quanh, nóng hổi, ai ăn nhiều có thể gọi 2 tô được.
Nó là món ăn vặt vì đơn giản ăn cũng chẳng thấy no, ăn chỉ để thưởng thức vị của con trai nóng hổi, cắn ra miếng, nhai sần sật. Ngày trước khi còn làm ở Bộ Xây dựng, chiều đi làm về tôi và chị người yêu cũ (giờ chị ấy là mẹ 2 đứa nhóc con tôi) thường tạt qua đó làm một chén rồi về vẫn ăn cơm được.
Ngày xưa quán nhỏ hơn, bán mỗi một loại cháo trai từ khoảng 4pm thôi, giờ thì mở rộng khang trang ra chút, bán cả ngày, bàn ghế cao ráo và phục vụ thêm nhiều món khác như cháo sườn, tào phớ, bánh rán cho những thực khách vui mồm, có điều cháo trai vẫn là món chủ đạo.
Cũng như bao món ăn vặt của Hà Nội khác, ngày trước ăn vặt bởi vì nó rẻ tiền, dễ ăn, giờ thì nó cũng đã trở thành tinh hoa của đất Hà thành cho nên giá cũng chẳng vặt nữa. Giá bát cháo giờ là 30k bao gồm cả quẩy, tương đương bát phở gà mà bạn có thể ăn no được.
Chiều thứ 7, sau khi dọn dẹp nhà cửa, được chị người yêu cách đây 25 năm dắt qua quán ăn cùng đám nhóc, trời lâm thâm mưa, lệnh dãn cách nên phố xá cũng vắng người. Ngồi ăn, ngắm phố Hà Nội chầm chậm trôi.
Nếu có dịp, hãy ghé qua làm một bát, ăn rồi bạn sẽ nhớ mãi vị của miếng trai sần sật, dai dai, đậm đà trong miệng.
Trần Xuân Soạn là tướng nhà Nguyễn thời vua Hàm Nghi. Ông cùng tướng Tôn Thất Thuyết đánh Pháp ở trận Kinh thành Huế. Sau khi thất bại, ông lãnh nhiệm vụ tổ chức phong trào Cần vương kháng Pháp ở Thanh Hóa