“Đồng Đăng có Phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em”

Lạng Sơn – mảnh đất xa xôi nơi chốn biên thùy. Nơi đó là mảnh đất có rất nhiều cảnh đẹp, nơi vừa có sông vừa có núi hài hòa tuyệt đẹp mà người ta thường ví “như tranh họa đồ”. Nơi đây có sự pha trộn về văn hóa giữa các dân tộc anh em. Vì vậy, đã tạo nên sự khác biệt và độc đáo trong ẩm thực; hãy cùng chúng tôi điểm qua sự khác biệt đó.

VỊT QUAY LÁ MÁC MẬT

Đến với Xứ Lạng không một ai có thể bỏ qua món “Vịt quay lá mác mật” ngon nức tiếng với hương vị rất riêng biệt không nơi nào có được. “Thịt vịt màu vàng óng ả, vị dai dai, mềm mềm, ngon ngậy chấm cùng nước chấm đậm đà từ bụng con vịt quay” là hương vị đọng lại trong tâm trí của du khách thập phương mỗi khi miêu tả món ăn nổi tiếng này của Xứ Lạng. Để làm nên món Vịt quay lá mác mật ngon chuẩn vị thì ngay từ khâu chọn Vịt đã được tiến hành cẩn thận. Vịt được lựa chọn sẽ là Vịt Bầu Thất Khê. Giống vịt này được nuôi nhiều ở Thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Gia vị sau đó được nhồi vào bụng con vịt, khâu lại, để từ 2-3 tiếng cho ngấm và mang đi quay trên lò than hồng rực cho đến khi da vịt chuyển sang màu vàng vàng, nâu sẫm.  Những miếng thịt vịt nóng hổi khi vừa quay xong được chấm ngập trong nước chấm, khi nhai vị ngọt tự nhiên của thịt vịt quyện đậm cùng gia vị và nước chấm đã trinh phục vị giác của mọi thực khách dù là những thực khách khó tính nhất khi đến với Xứ Lạng.

LỢN QUAY MÁC MẬT

Đây là món ăn đặc sản không thể thiếu trong các bàn ở Lạng Sơn và không chỉ ngon mà còn chế biến cầu kì và mang hương vị riêng của xứ Lạng.  Để cho lợn quay có bì vàng sẫm thật ngon, người ta dùng mật ong hòa với giấm bôi kĩ một lượt lên toàn thân con lợn. Sau đó mang con lợn ra quay trên đống than củi đang cháy hồng, chú ý quay thật đều sao cho con lợn không có chỗ sống, chỗ chín.Quay một con lợn 30kg hơi cũng phải mất 2-3 tiếng, vừa ngồi quay lợn vừa bôi đều mật ong pha giấm trên con lợn và lấy que nhọn chọc dầu vào da con lợn để bì không bị nứt trong khi quay. Khi lợn chín tới, người ta dùng vải thấm nước lã lau qua mình con lợn một lượt rồi quạt lửa thật mạnh để cho bì lợn phồng lên. Bỏ lợn ra khoảng 1 tiếng cho bớt nóng và để khi chặt thịt miếng thịt bày ra đĩa không bị nát. Đĩa thịt lợn quay vàng xộm thơm lừng ngon lành đến ứa nước miếng. Cắn miếng thịt quay có vị ngọt của thịt chín tới, vị thơm của lá mác mật, vị ngậy của thịt nướng, miếng thịt được tẩm ướp đậm đà, ăn một lần sẽ nhớ mãi.

NEM NƯỚNG HỮU LŨNG

Nếu như nem chua Thanh Hóa với vị chua dịu nổi tiếng xa gần thì nem Hữu Lũng lại được yêu thích bởi hương vị thơm nồng khi nướng lên. Món nem này nếu nhìn bề ngoài chẳng khác mấy so với nem chạo, nem thính khá nổi tiếng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhưng cũng như món bánh cuốn, món nem ở từng địa phương lại chứa trong đó một thứ “đặc sản” đặc trưng riêng. Nó toát ra từ hình dáng, nguyên liệu và hương vị của món ăn. Nem nướng Hữu Lũng to bằng cổ tay người lớn, dài ước chừng một gang tay, được bọc bởi 3 lớp lá chuối xanh bên ngoài buộc lạt tre. Bên trong nem gồm thịt lợn (phần nạc vai, ba chỉ nách không quá mỡ), bì lợn thái mỏng. Thịt phải mua lúc lợn mới mổ, còn hồng tươi, mang về thái bằng dao sắc, mỏng. Bì lợn cũng luộc sơ, thái thật mỏng. Nem để nguyên lá đem nướng trên than hoa hồng rực cho đến khi cháy xém hết lớp lá chuối, trong quá trình nướng phải lật nem liên tục để tránh nem bị cháy một bên. Đối với những gia đình không sử dụng bếp củi hay không có chỗ để dùng than hoa thì có thể nướng bằng lò vi sóng hoặc kẹp vỉ nướng trên bếp ga, tuy nhiên nướng bằng than hoa mới đúng kiểu và chuẩn hơn cả. Không nên để nem quá lâu mới đem nướng, nem sẽ rất chua.

KHÂU NHỤC LẠNG SƠN

Khâu nhục là món ăn truyền thống của đồng bào Tày, Nùng Xứ Lạng. Món ăn này có nguồn gốc từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam. Được người Tày, Nùng biến tấu món ăn phù hợp với khẩu vị vùng miền. Trải qua thời gian, khâu nhục trở thành món ngon không thể thiếu trong các dịp quan trọng như đãi khách đám cưới, lễ tiệc… của đồng bào dân tộc nơi đây. Để cho ra đời được một bát khâu nhục thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn nhưng trước tiên phải chọn loại thịt ba chỉ lợn ngon, có đủ vừa nạc vừa mỡ miếng thịt không quá dày. Công đoạn khó nhất là chiên chao, phải làm sao cho phần bì thật giòn, không cháy nhưng vẫn giữ được phần thịt bên trong không chín quá. 

Món đặc sản khâu nhục đã và đang trở thành món ăn đặc trưng của quê hương Xứ Lạng. Chắc chắn món đặc sản này sẽ được nhiều du khách gần xa yêu thích, thưởng thức và nhớ đến như một nét văn hóa rất riêng gắn liền với phong tục tập quán của người dân Xứ Lạng khi ghé thăm mảnh đất biên cương.

ỐC NÚI

Ốc núi là loại ốc khá hiếm, sống ở trong các hang đá tại những dãy núi cao, người ta chỉ có thể bắt ốc núi vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm. Ốc núi thường được tìm thấy ở vùng núi của các huyện Hữu Lũng, ốc núi sau khi chế biến thành các món có sự thơm ngon hấp dẫn một cách đặc biệt, vị ngọt thanh, thịt ốc béo nhưng không dễ ngấy, món ăn dân dã này dễ dàng “chinh phục” bất kỳ vị khách khó tính nào. Ốc núi có vị thơm ngọt, giàu dinh dưỡng. Đây cũng là lý do ốc này có giá trị ẩm thực cao. Bạn có thể chế biến rất nhiều món ăn từ ốc núi với đủ các phương pháp từ đơn giản đến phức tạp.

PHỞ CHUA LẠNG SƠN

Phở chua của Xứ Lạng không chỉ lạ về tên gọi mà còn lạ cả về hình thức và hương vị vô cùng độc đáo. Một bát phở chua thường bao gồm rất nhiều loại nguyên liệu khác nhau như: bánh phở, thịt xá xíu, khoai lang chao, dưa chuột, lạc rang… Bánh phở để làm phở chua thường là loại bánh phở sợi nhỏ, nhưng để cho “chuẩn vị” nhất thì phở cần là phở Lộc Bình (huyện Lộc Bình) tráng tay mới đảm bảo sự thơm ngon và độ dẻo, dai khi ăn. Thịt để làm xá xíu là thịt lợn nạc ngon. Đầu tiên, thịt được thái thành những miếng dày, to bằng lòng bàn tay, rồi tẩm ướp dầu hào, đường… và đem luộc đến khi gần chín. Sau đó, thịt được vớt ra, để ráo nước và rán vàng lên rồi thái thành từng lát dài. Tiếp đến, khoai lang được thái chỉ nhỏ, đảo trên chảo dầu sao cho thật giòn và vàng ruộm. Ngoài ra, lạc rang cũng được giã nhỏ, dưa chuột được lựa chọn kỹ càng, rửa sạch và đều phải thái sợi thật mỏng… Điểm nhấn đặc biệt và cũng là yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự độc đáo của món ăn là ở nước sốt mà người Xứ Lạng gọi là “nước lủ”.

BÁNH ÁP CHAO

Thoạt nhìn, bánh áp chao gần giống bánh rán mặn, nhưng sự khác biệt thì ẩn giấu bên trong. Người làm bánh múc 1 muỗng lớn bột, đặt nhân thịt vịt vào giữa, bọc một lớp bột phía trên, thật nhanh tay để bột không chảy rồi thả cả muỗng bánh vào chảo ngập dầu. Tiếng xèo xèo vang lên vui tai, bánh từ từ phồng lên đẹp mắt. Bánh chín, người bán vớt từng chiếc ráo dầu, sau đó mới cắt miếng nhỏ vừa ăn. Bánh sắp lên đĩa vẫn thật nóng, ăn kèm với nước mắm chua ngọt ngâm nộm đu đủ xanh, thêm ít ớt, tiêu cay tê tê đầu lưỡi và bên cạnh là rau sống xanh mướt chống ngấy. Từng miếng bánh màu nâu vàng ruộm, cắn bên ngoài giòn tan, bên trong thơm thơm dẻo dẻo, hòa quyện với vị thịt vịt ngọt béo đặc trưng. Thực khách thường gọi thêm đĩa thịt vịt ướp húng lìu chao hoặc chân vịt, gan, mề vịt chao chấm với nước mắm có măng ớt cay, quả mác mật thơm nồng.

BÁNH CAO SẰNG

Một trong những món ăn đường phố được người dân Xứ Lạng ưa chuộng chính là bánh cao sằng (cao: bánh, sằng: tầng; cao sằng tức là bánh nhiều tầng). Dù được chế biến từ những nguyên liệu rất đơn giản nhưng món ăn này lại có hương vị đậm đà, đặc trưng, trở thành món ăn vặt yêu thích của người dân, du khách. Sở dĩ gọi cao sằng là món ăn bình dân bởi nó được làm từ những nguyên liệu đơn giản: gạo tẻ, nhân là thịt lợn và hành khô. Thịt và hành khô sau khi được xào chín sẽ phết một lớp mỏng lên trên mặt bánh để giúp bánh không bị khô, có mùi vị đậm đà hơn. Mùi vị đặc trưng của bánh cao sằng còn đến từ vị bùi của lạc đã được rang và giã nhỏ. Tùy khẩu vị mỗi người, bánh sẽ được cho thêm rau mùi thái nhỏ hoặc không. Nước ăn kèm cao sằng là nước giấm pha đường giúp bánh ăn không bị ngấy.

Trên đây là một số món ăn tiêu biểu của vùng đất xứ Lạng. Tuy nhiên, để khám phá và thưởng thức được tất cả những món ăn và đặc sản khác của Lạng Sơn, bạn nên tới đó và trải nghiệm cùng với người và đất biên cương tổ quốc./